H5P là từ viết tắt thay cho HTML5 Package (gói HTML5). Chính xác hơn, H5P là bộ công cụ mã nguồn mở giúp người dùng biên soạn nhiều loại hình nội dung tương tác cho các khóa học trực tuyến, trang web hoặc blog cá nhân. Mỗi nội dung tương tác là một gói HTML5 bao gồm HTML, CSS và Javascript đóng gói cùng nhau. H5P là sản phẩm của một dự án do cộng đồng dẫn lái giúp phát triển những công cụ có nhiều tính năng linh hoạt để tạo các nội dung học tập phong phú, tùy biến, dễ chia sẻ và có thể tái sử dụng. Có thể nói rằng bộ công cụ này không chỉ là một ngôi sao đang lên mà còn là một ‘game changer’ thay thế cho phương thức tương tác truyền thống dựa trên nền tảng adobe flash. Điểm mạnh của bộ công cụ này là: dễ sử dụng, linh hoạt và mã nguồn mở.
H5P ban hành giấy phép mã nguồn mở theo chuẩn MIT qua đó người dùng có thể kiểm tra mã nguồn, điều chỉnh và phát triển những gói khác nhau cho phù hợp với mục đích sử dụng của mình. Việc này cũng tránh được những rào cản khi vấn đề bản quyền được chú ý. Những sản phẩm thương mại khác giúp phát triển bài giảng cũng có nhiều điểm mạnh, tuy nhiên chi phí để mua những sản phẩm này là rất lớn và thường bị giới hạn trong khoảng một thời gian nhất định. Bộ công cụ H5P lõi không thu phí và hiện nay đã có hơn 30.000 trang web sử dụng. Sản phẩm thương mại chính của công ty đứng sau H5P là thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ như hosting, tuỳ biến sản phẩm cho những mục đích cụ thể. Một trong những điểm nhấn của H5P là nội dung tạo ra không phụ thuộc vào nền tảng quản lý nội dung hay quản lý học tập nào cả. Nội dung H5P có thể được sử dụng trên các nền tảng quản lý học tập LMS như Moodle, Canvas, Backboard…và cũng có thể dùng trên nền tảng quản lý nội dung CMS như WordPress. Quan trọng hơn cả là người dùng cuối có thể tạo, lưu trữ, chia sẻ, nhúng nội dung H5P trên nhiều nền tảng khác nhau.
Cách vận hành của H5P cũng giống như một số mô hình hoạt động của các sản phẩm dựa trên mã nguồn mở và coi phần mềm như một dịch vụ (SaaS) qua đó sản phẩm gốc sử dụng chuẩn mở để cộng đồng có thể khai thác và sử dụng và họ kinh doanh trên những dịch vụ nâng cấp cho tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu. Với mô hình này, họ vừa phục vụ được cộng đồng, vừa hoạt động kinh doanh hiệu quả (giống như Microsoft chuyển đổi từ việc bán phần mềm sang bán dịch vụ). Nói như vậy để thấy điểm mạnh của H5P là ở chỗ cộng đồng và doanh nghiệp cùng hỗ trợ để H5P phát triển nên sẽ có những ưu điểm nổi bật. Lỗi thì có nhiều người cùng phát hiện và sửa, công ty đứng sau hỗ trợ nâng cấp và chuẩn hoá. Cộng đồng cũng có thể phát triển thêm tính năng mới phù hợp với nhu cầu thực tế qua đó công ty đứng sau có thêm thông tin để phát triển sản phẩm.
Cách tiếp cận của H5P cũng rất thú vị. Mục tiêu của dự án H5P là cho phép mọi người tạo, chia sẻ và tái sử dụng các nội dung tương tác. Người dùng có thể tạo những nội dung tương tác như các bài giảng, chèn câu hỏi vào video mà không cần phải viết một dòng code nào cả. Do đó nội dung này có thể được lưu trữ và chia sẻ ở nhiều trang web và nền tảng khác nhau. Nói cách khác H5P cho phép người dùng tạo những nội dung riêng lẻ một cách dễ dàng (micro learning content) nhưng lại có chung một khung khổ/nền tảng để những nội dung đó có thể được sắp xếp vào một hệ thống lớn hơn, cho phép cộng tác dễ dàng hơn. Giống như việc viết cả một cuốn sách 100 trang thì sẽ rất tốn công cho một người, nhưng nếu 10 người cùng viết thì mỗi người chỉ cần viết 10 trang. Điều quan trọng là có một khung khổ (framework) để 10 trang đó ăn khớp với nhau thành một chỉnh thể. H5P cho phép người dùng tạo những hoạt động tương tác nhỏ lẻ như chèn câu hỏi vào video lấy từ youtube hay soạn vài câu hỏi trắc nghiệm. Những nội dung này có thể sắp xếp thành một khoá học hay lộ trình học tập phù hợp. Nếu như người dùng thay đổi nền tảng quản lý, những nội dung này có thể được tháo dỡ và sắp xếp lại một cách nhẹ nhàng. Do đó H5P không phụ thuộc vào nền tảng hay thiết bị. Mà chúng hoạt động độc lập nhưng tương thích với hầu hết các nền tảng sẵn có.
Dưới đây tôi biên soạn một vài nội dung sử dụng Course Presentation và Interactive Video, hai trong số loại hình nội dung tương tác nổi bật của H5P. Giống như chúng ta soạn một bài trình bày dùng PowerPoint hoặc Google Slide thì bài trình bày có thể được soạn trên gói Course Presentation của H5P. Ngoài những tính năng thường có như trong các công cụ khác, công cụ này cho phép chúng ta chèn những nội dung tương tác trong suốt bài trình bày như chèn câu hỏi trắc nghiệm, chèn âm thanh vào mỗi slide hoặc nhúng video tương tác vào bài trình bày. Điều quan trọng là sau khi một nội dung được tạo xong, chúng ta có thể tải xuống lưu trữ, chia sẻ với người khác, hoặc tải lên/nhúng vào trang web khác mà không phải điều chỉnh thêm bất cứ thông số nào. Việc này giúp quá trình chỉnh sửa, chia sẻ, tái sử dụng trở nên rất dễ dàng và thuận tiện. Chẳng hạn nếu bạn đang dùng Moodle và muốn chuyển sang Canvas hoặc WordPress hoặc ngược lại, chúng ta chỉ cần chuyển những nội dung này sang một nền tảng khác mà không bị ảnh hưởng hoặc phải dùng đến nhiều kỹ thuật hay thuật toán.
Để tìm hiểu thêm và bắt đầu sử dụng H5P, bạn có thể đăng ký một tài khoản miễn phí tại trang https://h5p.org. Lưu ý rằng H5P không phải một phần mềm có thể tải về máy để thao tác, mà nó hoạt động qua một trình duyệt thông qua việc cài plugin vào trang web sẵn có. Trang web https://h5p.org cho phép người dùng tạo nội dung trên đó với điều kiện phải để những nội dung đó công khai. Nếu muốn sử dụng riêng, bạn có thể cài plugin vào nền tảng WordPress hoặc Moodle…
Lưu ý: Bài viết này được đăng lại từ trang https://phunghuy.senschool.org/2020/01/06/h5p.